[Share] Hiện Tượng Cảm Nhiễm Trong Hồ Thủy Sinh
SỰ CẢM NHIỄM hiện tượng tương tác, phản ứng hóa học của thực vật thủy mộc, vi sinh vật, rêu hại và cá trong 1 môi trường thủy sinh.
– Vì sao bạn mãi không thể trồng thành công 1 vài loại cây trông hồ mình?
– Vì sao hồ nhiều cây thì rất hiếm khi bị bùng phát rêu hại?
– Vì sao rêu hại bùng phát thì cây yếu và chết dần?
– Vì sao ốc nerita, và 1 số loại cá của tôi thỉnh thoảng lại ăn cả lá cây?
– Vì sao những hồ thủy sinh dù không nuôi cá nhưng lại không bao giờ có lăng quăng và muổi, đặc biệt là ở các trại thủy sinh
– Vì sao 1 số cây trồng riêng, hoặc trồng chúng nhiều hơn so với những loại cây khác thì chúng phát triển tốt, còn trồng chung thì lại rất yếu (điển hình rotala pearl)?
Câu trả lời có thể là vì SỰ CẢM NHIỄM hiện tượng tương tác, phản ứng hóa học của thực vật thủy mộc, vi sinh vật, rêu hại và cá trong 1 môi trường thủy sinh.
Hiện tượng cảm nhiễm trong hồ thủy sinh
Sự Cảm Nhiễm là gì?
Theo lý thuyết, những sinh vật trong môi trường thủy sinh (bao gồm thực vật, cá và vi sinh) đều có cơ chế tự sản xuất ra những chất hóa học ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của những cá thể khác. Khác với động vật có thể bảo vệ mình và ảnh hưởng, tấn công những động vật khác dựa vào sức mạnh, tốc độ, cơ bắp, sức khỏe… thực vật thủy sinh bắt buộc phải tạo ra hóa học để tự bảo vệ bản thân từ bệnh dịch, vi khuẩn và từ những động vật. Thực vật thủy sinh có lẻ rất nghiêm túc và coi trọng cơ chế này và chúng dùng 1 lượng năng lượng lớn để tạo ra hóa chất nhằm bảo vệ bản thân và tất nhiên là để ức chế sự phát triển của những thực vật đối thủ khác, đôi lúc là giết chết đối thủ để tồn tại (tương tự như việc những cây thủy sinh phát triển nhanh luôn có xu hướng mọc nhanh và lan rộng chiếm không gian, ánh sáng và giết chết những cây đối thủ mọc chậm phía dưới chúng). Thực vật thủy sinh tạo ra những chất hóa học xung quanh chúng, tan vào trong nước rất nhanh, và trong 1 hệ sinh thái khép kín (nước tù) như hồ thủy sinh thì những chất hóa học này tích tụ và tăng dần, và dĩ nhiên tác dụng ức chế sự phát triển hay ảnh hưởng tiêu cực đến những thực vật quanh chúng bao gồm cả rêu hại và những cây thủy sinh khác là rất rõ ràng và mạnh mẽ. Thêm vào đó, hồ càng nhỏ (lượng nước càng ít) thì cảm nhiễm càng rõ ràng, đó là lý do nhiều hồ mini hiếm khi có rêu hại vì chúng bị cây thủy sinh lấn áp qua sự cảm nhiễm này.
1. Sự Cảm Nhiễm của cây thủy sinh tác động lên rêu hại
Đây là điều anh em chơi thủy sinh quan tâm nhất vì nó là chìa khóa để duy trì 1 hồ thủy sinh xanh đẹp, sạch rêu hại. Nhiều nhà thực vật thủy sinh học nhận thấy rằng đa số các sông hồ tự nhiên với nhiều loại cây thủy sinh phát triển mạnh mẽ thì hầu như không có, hoặc rất ít thấy rêu hại tồn tại và phát triển. Đúng là cây thủy sinh có thể lấn áp rêu hại bằng cách hút sạch dinh dưỡng hay che sáng, nhưng lý do chính vẫn là do những hóa chất cảm nhiễm của thực vật thủy sinh tạo ra. Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều thí nghiệm chiết xuất hóa chất của nhiều cây thủy sinh, điển hình là Typha latifolia (Cỏ Nến), và kết quả mang lại cho thấy rằng những chất hóa học chiết xuất từ cây Cỏ Nến này có tác dụng diệt và ức chế rêu hại tương đương với 1 lượng đồng Sunphat (CuSO4) lớn trong nước (0.5 ppm – 1 nồng độ cực cao có thể giết hầu hết rêu hại), và Myriophyllum brasilense, (họ Xương Cá) thì có tác dụng đặc biệt, chuyên trị tảo nhớt xanh và 1 số loại rêu hại khác. Ngay trong những hồ trồng nhiều Xương Cá của mình thì rêu hại màu xanh như nhớt xanh, đốm xanh và mảng xanh hầu như không thể phát triển, và khi cắt hết lũ Xương Cá để trồng cây khác thì sau vài ngày hồ mình bị đốm xanh và nhớt xanh tấn công ngay (có lẻ ánh sáng quá nhiều + cây bị nhổ gần hết). 1 loại cây khác họ xương cá khác là Myriophyllum Spicatum (Rong đuôi chồn) thì quá nổi tiếng về khả năng chống khuẩn lam, lăng quăng, bèo tấm, và nó thậm chí còn có khả năng diệt cây thủy sinh khác là Najas marina (dương xỉ Trung Quốc)… và còn quá nhiều trường hợp khác đợi các anh em khám phá ra dần.
Myriophyllum brasilense, (họ Xương Cá)
Myriophyllum Spicatum (Rong đuôi chồn)
Typha latifolia (Cỏ Nến) những loại cây có khả năng cảm nhiễm cực mạnh
Nghe có vẻ thật hấp dẫn, nhưng để tạo ra hóa chất cảm nhiễm này, cây thủy sinh cần môi trường sống phù hợp (Ánh sáng, nhiệt độ, hệ vi sinh ổn định…) và dinh dưỡng tốt (đặc biệt là Co2, đa vi lượng…). Khi điều kiện không đủ đáp ứng, ví dụ như thiếu Co2, cây sẽ ngừng tạo ra hóa chất cảm nhiễm và rất dễ bị 1 số loại ốc, cá tép ăn lá (bình thường lúc cây khỏe mạnh thì không), và cũng rất dễ bị rêu hại tấn công.
lá cây nana bị rêu chùm đen tất công
Một điều quan trọng khác anh em cần lưu tâm là hóa chất cảm nhiễm được các loại cây thủy sinh tiết ra thường có tác dụng mạnh mẽ hơn trong việc ức chế rêu hại khi các hóa chất này kết hợp với nhau, và các hóa chất này có tác dụng mạnh mẽ nhất khi gần cây thủy sinh nơi chúng được tiết ra. Vậy kinh nghiệm cho anh em là: nên trồng nhiều loại cây trong hồ và tốt nhất là trồng rải rác khắp hồ để có tác dụng lấn áp rêu hại tốt nhất.
những hồ của ADA thường được trồng rất nhiều cây ngay từ đầu.
2. Sự cảm nhiễm của rêu hại tác động lên cây thủy sinh
Liệu rêu hại có khả năng tạo ra cảm nhiểm để ức chế hay tiêu diệt cây thủy sinh? Câu trả lời là CÓ. Tất cả các loại rêu hại đều có thể tiết ra hóa chất tự bảo vệ bản thân từ động vật ăn tạp (có lẻ vì vậy mà rêu chùm đen sau khi bị xịt Excel thì rất hay bị cá, tép ăn) hay triệt tiêu những loại rêu hại khác và cả cây thủy sinh, có điều sự cảm nhiễm này yếu hơn nhiều so với hóa chất của thực vật thủy sinh. Điều khác biệt thứ 2 là rêu hại ngoài khả năng tiết ra hóa chất cảm nhiễm trong nước, chúng còn có thể truyền trực tiếp vào lá cây thủy sinh. Một số ví dụ về trường hợp rêu hại có khả năng triệt tiêu thực vật thủy sinh như: Rêu nhớt xanh có khả năng ức chế bèo tấm (duckweed), và 1 số loại Ấu Thái (Trapa japonica) . Hồ bán cạn của mình từ khi rêu nhớt nhanh xuất hiện thì lũ Ấu Thái rữa lá và biến mất dần.
ấu thái
duckweed – bèo tấm
blue-green algea, loại rêu có khả năng ức chế nhiều loại cây thủy sinh,
đặc biệt là họ bèo tấm, ấu thái…
đặc biệt là họ bèo tấm, ấu thái…
Tuy nhiên, chỉ khi nào rêu hại bùng phát toàn hồ thì khả năng ức chế cây thủy sinh của chúng mới thật sự mạnh mẽ. Nhiều bạn chơi thủy sinh chắc chắn từng trải nghiệm rằng khi hồ bùng phát rêu hại thì cây cối của mình hầu như đều rất yếu và chết dần. Trong trường hợp này, người chơi thủy sinh có thể dễ dàng loại bỏ hết cảm nhiễm của rêu hại bằng cách:
– Thay nước thường xuyên, hóa chất cảm nhiểm của rêu hại tiết ra cần 1 thời gian dài mới đủ nồng độ ức chế cây, và thay nước sẽ làm nồng độ đó giảm xuống nhanh chóng
– Cho than hoạt tính hay Seachem Purigen vào lọc, hóa chất cảm nhiễm sẽ bị loại bỏ nhanh
– Dùng 1 số loại hóa chất như Seachem Excel, Cidex, Oxi già, thuôc kháng sinh Erythromycin…
3. Sự cảm nhiễm của cây thủy sinh tác động lên những loại cây thủy sinh khác
Mình đam mê thể loại hồ phong cách Hà Lan nên có thói quen trồng rất nhiều loại trong 1 hồ (1 mục đích khác là nghiên cứu, quan sát phản ứng và tốc độ sinh trưởng của nhiều loại cây với những nồng độ dinh dưỡng mình cung cấp qua phân nước), và mình không còn lạ gì việc thỉnh thoảng 1 số cây chết và biến mất không lý do dù hồ mình cực ổn định và đa số các loại cây đều phát triển rất xung. Mình cũng không ngạc nhiên gì khi 1 loại cây nào rất dễ trồng, lại chết yểu khi cho vào 1 hồ đang rất ổn định. Mình nhận thấy sự cảm nhiểm này là 1 phần của tự nhiên mà tất cả người chơi đều phải chấp nhận. 1 số trường hợp mình đã trải nghiệm như sau:
– 1 số loại họ tiêu thảo như tiêu thảo flamingo, tiêu thảo parva không nên trồng chung với họ Vallisneria (Hẹ Nước) và Swordplants (Lưỡi Hổ)
– Bèo Nhật, bèo tấm, Ấu Thái… không phát triển hoặc chết dần nếu trồng chung vơí họ súng Nuphar lutea (súng hoa vàng), hoặc với họ Eleocharis (Ngưu Mao Chiên, Cói)
– Họ Ngưu Mao Chiên thường nhả hóa chất độc vào nền qua bộ rễ và có tác dụng giết 1 số loại root feeder khác như Rong Gai, Rong Đuôi Chồn…
Còn rất nhiều trường hợp khác mình sẽ liệt kê và cập nhật dần.
4. Kinh nghiệm rút ra cho các bạn mới chơi:
– Nên trồng nhiều cây đến mức có thể trong hồ mới set-up để trị rêu hại (giống các hồ của ADA)
– Hồ nhỏ dễ ức chế rêu hại bằng cách trồng cây hơn vì số lượng nước ít và hóa chất cảm nhiễm càng mạnh
– Hồ nhỏ có thể khó trồng 1 số loại cây vì chúng tự cảm nhiểm, cạnh tranh lẫn nhau (điển hình là Trân Châu Nhật, rất khó trồng trong những hồ mini)
– 1 số cây khó trồng chung với nhiều loại cây khác (như rotala pearl chẳng hạn), nếu trồng riêng nó phát triển rất tốt, có lẻ vì đặc tính “yếm thế”, kèo dưới vì không có khả năng chống chịu cảm nhiễm của những cây khác.
– Nên tận dụng cảm nhiễm bằng cách trồng nhiều loại cây và trồng rải rác khắp hồ
– Càng thay nhiều nước, cảm nhiễm càng ít. Việc thay nước thường xuyên có tác dụng giảm cảm nhiễm có hại tiết ra từ rêu hại khi hồ đang bị bùng phát, nhưng thay nước nhiều cũng làm giảm nồng độ hóa chất cảm nhiểm tốt của cây
– Cây khi thiếu hụt dinh dưỡng hay môi trường không phù hợp sẽ rất dễ bị rêu hại tấn công và dễ bị ốc, cá, tép ăn lá vì chúng không còn đủ sức tạo ra hóa chất cảm nhiễm để tự bảo vệ bản thân. Rêu hại cũng vậy, khi chúng yếu (bị xịt hóa chất, hay bị hết thức ăn vì thay nước) sẽ dễ bị cá ốc ăn ngay, điển hình là rêu tóc và rêu chùm đen sau khi bị xịt Excel, Cidex…
– Và cuối cùng, nên chấp nhận hiện tượng cảm nhiễm này như 1 phần của tự nhiên. Nên trồng riêng những cây quý và dần tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình.
Nguồn : Phạm Thành Văn
Chân thành cảm ơn anh Phạm Thành Văn đã chia sẻ bài viết này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét